Quản lý nhân viên quán cà phê hiệu quả: kinh nghiệm thực tế (phần 1)


Bạn đang kinh doanh một quán cafe, quán ăn dù nhỏ hay lớn, có lẽ bạn sẽ gặp không ít khó khăn với việc quản lý nhân viên phải không? Như là tình trạng nhân viên nghỉ việc thường xuyên, nghỉ việc đột xuất, nhân viên không nhiệt tình…

Quán cafe MiMoSa Bà Rịa ngày khai trương 13/01/2013
Vậy giải pháp nào để quản lý nhân viên quán cafe cho hiệu quả?

Với kinh nghiệm từ khâu setup ban đầu, quản lý quán cafe lớn tại TP Bà Rịa, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm “thực dụng – thực chiến” để quản lý nhân viên quán cà phê một hiệu quả, giúp người chủ/quản lý giảm tình trạng bị động về nhân sự.

Đầu tiên bạn cần có nhận thức sau:  Nhân sự ở lĩnh vực kinh doanh quán cà phê có đặc điểm chung là chỉ xem đây là công việc tạm thời, đó là tâm lý chung dù quán cafe có bài bản, chính sách nhân sự quy củ thế nào đi nữa (ở đây tôi không bàn đến những chuỗi cafe ngoại). (Bạn hãy thử tìm hiểu lý do có tâm lý này và chia sẻ với mọi người ở mục bình luận nhé).

Từ nhận thức đó, mà chúng ta sẽ tìm ra phương pháp quản lý nhân viên quán cà phê sao cho hiệu quả và dưới đây là một số phương pháp tôi đã ứng dụng vào thực tiễn đem lại kết quả rất tốt.

Thứ nhất, hãy dùng việc chi trả tiền lương làm công cụ để đảm bảo rằng nhân viên không khỉ việc đột xuất. Cách làm khá đơn giản, hãy giữ ít nhất 5 ngày lương của nhân viên để “phòng bị” cho mức phạt khi nhân viên nghỉ đột xuất. Tôi ví dụ: tôi chi trả lương làm 2 kỳ trong tháng, kỳ đầu tiên trả vào ngày 21 của tháng, tôi chỉ tạm ứng tiền lương chỉ đến ngày 15, kỳ thứ hai tôi thanh toán hết lương của tháng vào ngày 6, tức quán vẫn giữ của nhân viên tối thiểu 5 ngày làm việc. Tôi đưa vào quy định về việc xin nghỉ rất rõ ràng “nếu nghỉ việc mà không thông báo xem như số tiền 5 ngày được giữ lại sẽ đưa vào phạt”. Khi áp dụng phương pháp này, tôi đảm bảo sẽ giảm hẳn tình trạng nhân viên sau khi nhận tiền lương nghỉ đột xuất mà “không ngày quay trở lại” đấy nhé.

Thứ hai, hãy tìm phương pháp chi trả lương công bằng nhất, chính xác nhất. Ví dụ, quán cà phê nhà tôi trả lương nhân theo giờ làm việc (ví dụ 15.000 đồng/giờ với nhân viên phục vụ), tôi đã áp dụng ngay máy chấm công bằng dấu vân tay, việc vào ca - ra ca được quẹt vân tay, phần mềm chấm công vô cùng công bằng chính xác, không có cảm xúc, vì nó là máy mà. Quán của tôi có thời điểm có hơn 30 nhân viên làm việc cho nhiều ca như từ 6h – 10h, từ 10h – 14h, từ 14h – 18h và từ 18h – 22h thế mà việc chấm công chính xác tuyệt đối, công bằng vô cùng. Đặc biệt, việc tính lương cho 30 con người ấy chỉ mất khoảng 2 giờ làm việc. Và hơn nữa, với chiếc máy chấm công, nhân viên sẽ tự động ý thức đúng giờ giấc vì tôi có quy định “nếu đi trễ 1 phút sẽ bị phạt 5.000 đồng nếu không có lý do chính đáng”. Đó cũng là một phương pháp để tạo tính chuyên nghiệp cho quán. Và hơn nữa, nếu nhân viên làm thêm giờ, dù chỉ là 5 phút hay 45 phút đều được máy chấm công ghi nhận và cuối tháng đều được tính toán chi tiết. Tôi chưa bao giờ mâu thuẫn với nhân viên vì tính giờ sai, thật đấy, bạn có tin!

Thứ ba, bạn cần xây dựng tài liệu đào tạo nhân viên sao cho thật đơn giản, thật chính xác và cố gắng chỉ trong 1 trang A4 với đầy đủ mô tả công việc, quy trình tác nghiệp, văn hóa phục vụ. Chỉ có sự đơn giản mới giúp bạn trong vòng 30 phút đã hướng dẫn rành mạch một nhân viên mới bắt tay được ngay vào công việc. Tôi đã viết nhiều bài chia sẻ về chủ đề thiết lập quy trình làm việc, bản mô tả công việc, văn hóa… bạn hãy tìm đọc thêm nhé.

Còn vài tuyệt chiêu nữa để quản lý nhân viên quán cafe sao cho thật hiệu quả tôi sẽ chia sẻ trong bài tiếp theo. Còn giờ đây, bạn hãy áp dụng ngay 3 chiêu thức phổ dụng ở trên vào ngay vào quán cafe nhé.

Hãy chia sẻ và bình luận bài viết về cảm nhận của bạn, đó là động lực lớn để tôi có thêm sức sáng tạo mới đấy.

TP Bà Rịa
Ngày 12/02/2017
Cao Trung Hiếu
"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"

0 Nhận xét