Cho đến trước giai đoạn đại dịch, ngành ăn uống chưa bao giờ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Nhưng khi bắt đầu bước vào thời kỳ “bình thường mới”, các cửa hàng, doanh nghiệp F&B phải đau đầu với việc thiếu nhân sự. Việc không có đủ nguồn lực có thể sẽ khiến cho trải nghiệm dịch vụ của khách hàng bị ảnh hưởng.
Cách Các Chuỗi F&B Lớn Áp Dụng Công Nghệ Để Nâng Cao Trải Nghiệm Khách Hàng |
Và điều này khiến cho các chuỗi thương hiệu F&B lớn phải tăng tốc trong việc áp dụng công nghệ để đảm bảo trải nghiệm của khách hàng sẽ được duy trì, thậm chí là được cải thiện tốt hơn. Cùng tìm hiểu các thương hiệu lớn đã tận dụng công nghệ thế nào để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Dùng công nghệ tạo ra món ăn, thức uống dành riêng cho từng khách hàng
Một minh chứng rõ ràng về việc các chuỗi thương hiệu lớn áp dụng công nghệ trong việc gia tăng trải nghiệm cho khách hàng chính là khả năng cá nhân hóa dựa trên các ứng dụng của điện thoại thông minh. Cụ thể, thông qua ứng dụng, Starbucks có thể biết được khách hàng của họ yêu thích món đồ uống nào và đưa ra những đề xuất phù hợp theo từng thời điểm trong ngày. Thậm chí, với công nghệ hiện tại, khách hàng có thể yêu cầu pha chế 1 tách cà phê theo ý thích chỉ bằng việc ghi âm giọng nói.
Cũng mang đến khả năng tùy chỉnh theo khẩu vị của từng khách hàng, McDonald’s cho phép những thực khách của mình tự do lựa chọn loại sốt cho món burger Big Mac thông qua các máy order tự động. Những trải nghiệm này chỉ mới là bước khởi đầu của các thương hiệu cho quá trình cá nhân hóa dựa trên công nghệ. Bởi đến thời điểm hiện tại, bằng công nghệ quét gương mặt, nhà hàng cao cấp Eleven Madison Park có thể nhận dạng và biết được ngay sở thích của bạn. Để từ đó, họ sẽ chuẩn bị các bữa ăn được “đo ni đóng giày” theo khẩu vị của bạn mỗi khi bạn đặt chân đến nhà hàng.
Mở ra cơ hội cho các nhà bếp “ảo”
Trong giai đoạn đại dịch, khi các quy định về giãn cách xã hội được siết chặt buộc các hàng quán ngưng phục vụ khách tại chỗ, thì các nhà bếp “ảo” trở nên phổ biến. Bởi mô hình này giúp các chủ quán tận dụng không gian và nhân lực hiện tại, để tìm kiếm thêm doanh thu nhờ việc phục vụ dưới hình thức mua mang đi và giao hàng tận nơi.
Và chính nhờ công nghệ đã giúp cho quy trình vận hành của những căn bếp “ảo” được trơn tru, nhanh chóng. Vì ngay khi khách hàng đặt món, các đầu bếp cũng đồng thời nhận được phiếu order để chế biến, nhờ đó, cắt giảm được đáng kể thời gian chờ đợi cho khách hàng. Và mô hình này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm cho khách hàng mà còn mang đến nguồn doanh thu cực kỳ hấp dẫn, khiến các thương hiệu vốn chỉ phục vụ tại chỗ như Applebee’s cũng phải lập tức đầu tư. Kết quả là họ đã cho ra mắt và tích hợp thương hiệu “ảo” Cosmic Wings vào các cửa hàng Applebee’s hiện tại.
Ứng phó với thiếu hụt lao động nhờ robot
Với việc các nhân sự đang nhảy việc ngày một nhiều, đồng thời, sẽ rất khó để các thương hiệu có thể tìm kiếm được các nhân viên giỏi, đáp ứng những yêu cầu khắt khe. Chính vì thế, ngày càng nhiều vị trí không có đủ nhân lực, điển hình là đầu bếp, phụ bếp và nhân viên phục vụ.
Và để ứng phó với sự thiếu hụt cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng, robot được xem là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp. Khi tại một số nhà hàng, robot đã thay thế cho nhân viên trong quá trình phục vụ và trình bày đồ ăn. Thậm chí, còn có thể hát chúc mừng sinh nhật khách hàng, một trong những nhiệm vụ mà không nhiều nhân viên dám đảm nhiệm. Trong khi một số công ty khác, các robot đã được sử dụng để giao thức ăn cho khách hàng. Điều này giúp cho doanh nghiệp có thể khắc phục những khó khăn khi vận chuyển, như các tài xế không nhận giao các đơn hàng ở quá xa.
Robot sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người như lo sợ của nhiều người, khi cho rằng, chúng sẽ “cướp” đi cơ hội việc làm. Thực tế, robot chỉ là công cụ hỗ trợ con người trong suốt quá trình làm việc. Cụ thể, Flippy, một robot có khả năng trở bánh hamburger và chiên khoai tây, do công ty Miso Robotics tạo ra, đang được vận hành tại các cửa hàng của White Castle. Những thiết bị này giúp đảm bảo cho chất lượng món ăn đồng đều, tránh bị khét hoặc chưa chín, các lỗi mà nhân viên thường mắc phải trong những giờ cao điểm.
Quỳnh Phạm